Trường THCS Kim Liên
Thư viện
|
GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 4
Năm học: 2023 – 2024
|
* Thông tin thư mục: Nhật ký Đặng Thùy Trâm/ Đặng Kim Trâm, Vương Trí Nhàn.- H.: NXB Hội nhà văn, 2018. – 290 tr.; 20 cm.
* Nội dung:
Kính thưa các thầy cô giáo cùng các em học sinh thân mến! Vào tháng 6-1970, sau một trận càn của lính Mỹ vào một căn cứ của ta chiến trường Đức Phổ (Quảng Ngãi), trong đống chiến lợi phẩm có một cuốn nhật ký của người nữ chiến sĩ vừa hy sinh. Fredric - một lính Mỹ, đã định châm lửa đốt quyển sổ tay được bọc bằng vải, thì người phiên dịch đã cản: "Đừng đốt. Bản thân nó đã có lửa rồi!".
Nghe lời khuyên, người lính Mỹ ấy đã dừng tay trước quyển sổ dầy chữ ấy. Và “ngọn lửa” ấy còn dẫn Fredric và người anh trai là Robert (cũng là một cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam) làm một cuộc hành trình tình nguyện đưa nhật ký của liệt sỹ về với gia đình chị…
13 năm trước, vào năm 2005, cuốn nhật ký ấy sau hơn 30 năm lưu lạc trên đất Mỹ, đã trở về Việt Nam và được in thành sách. Ngay lập tức, cuốn sách đã tạo nên một “cơn sốt” khi đã in với số lượng hàng trăm ngàn bản và sau mỗi lần tái bản thì sách đều được bán hết ngay.
Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các em HS yêu quý! Hòa chung với không khí cả nước hân hoan chào mừng ngày thành lập Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam 20/10 và để hiểu thêm truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam được Bác Hồ trao tặng cho tám chữ vàng vinh dự “anh hùng – bất khuất – trung hậu – đảm đang”, hôm nay thư viện trường THCS Phương Trung trân trọng giới thiệu đến các Thầy Cô cùng các em học sinh cuốn “Nhật Ký Đặng Thùy Trâm” do nhà xuất bản hội nhà văn ấn hành, cuốn nhật ký dày 290 trang, được in trên khổ giấy 14 x 20 cm. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ đã từng có một người con gái tên là Đặng Thùy Trâm, tác giả của những dòng nhật ký mà tôi muốn giới thiệu đến các bạn hôm nay. Họ thuộc về một lớp người sinh ra và lớn lên trong những ngày chiến tranh ác liệt.
Tốt nghiệp ĐH Y khoa Hà Nội năm 1966, Thùy Trâm xung phong đi vào tận chiến tuyến Đức Phổ, Quãng Ngãi khi tuổi đời còn rất trẻ. Ở đó chị phụ trách một bệnh viện Huyện. Những năm tháng chiến đấu kiên cường dành lại mạng sống cho bao thương binh và người dân Đức Phổ được lưu lại qua từng trang nhật ký. Những dòng nhật ký ngắn gọn mà tha thiết làm toát lên toàn bộ ý chí bất khuất, kiên cường của người con gái căng tràn nhiệt huyết tuổi hai mươi, lý tưởng sống của chị tất cả vì nền độc lập tự do của dân tộc. Khát vọng của Đặng Thuỳ Trâm cũng là khát vọng của hàng triệu triệu con người Việt Nam. Mong ước có một ngày đất nước khỏi phải quằn quại dưới bom đạn quân thù, một ngày hoà bình lập lại trên quê hương vì vậy chị hết lòng tận tụy với công việc, chăm lo cho bệnh nhân đến từng chi tiết nhỏ, lo lắng cho các thương binh bị đói và rét. Mỗi lần có ca tử vong, lòng chị lại đau quặn thắt, bất lực. Đặng Thuỳ Trâm ghi lại trong trang nhật ký của mình: "Ngày 8/4/1968 mổ một ca ruột thừa trong điều kiện thiếu thuốc, thuốc giảm đau chỉ có vài ống nhưng người thương binh trẻ không hề kêu la một tiếng, anh còn cười động viên mình - nhìn nụ cười gượng trên đôi môi khô vì mệt nhọc, mình thương anh vô cùng..."
“Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đã trở thành cuốn sách nổi tiếng, không chỉ được độc giả Việt Nam đón nhận như một biểu tượng sáng ngời về đức hy sinh, về tình yêu tổ quốc của người phụ nữ Việt Nam. Mà ảnh hưởng cuốn sách đã vượt qua biên giới, cuốn nhật ký đã được dịch ra 16 thứ tiếng và phát hành ở 20 nước trên thế giới. Với sự cảm hóa mạnh mẽ vì những trang nhật ký của chị thấm đẫm tình đồng chí, đồng đội, tình yêu Tổ quốc. Chị vào chiến trường Miền Nam phục vụ với phương châm của lớp thanh niên thời đó “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Những lúc khó khăn tưởng chừng như không vượt qua nổi, thì với cuốn nhật ký chị lại ngồi tâm sự. Nó như một người bạn để chị bày tỏ nỗi lòng. Xin mời các bạn nghe những dòng nhật ký thổn thức đó qua trang 258-259. Chính những dòng tâm sự đó làm cảm động đến thắt lòng và nhắc nhở mỗi chúng ta - thế hệ hôm nay phải sống thế nào cho xứng đáng với sự hi sinh mất mát của họ.
Cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” được viết bởi một Nữ Bác sĩ, một cây bút không chuyên đã thu hút bạn đọc, không phải vì tài văn chương mà bằng hiện thực lịch sử chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, bằng sự hy sinh cao cả, bằng tình yêu đồng chí, đồng đội và cao hơn nữa là tình yêu Tổ quốc, góp phần điểm thêm một dấu son chói lọi cho truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam anh hùng. Chúng ta là những thế hệ con cháu được thừa hưởng cuộc sống hòa bình độc lập, được sống, học tập và rèn luyện dưới mái trường thân thiện của xã hội chủ nghĩa, thì những dòng nhật ký kể trên rất cần thiết với chúng ta, nó như một động lực thúc đẩy giúp chúng ta phải cố gắng học tập và rèn luyện để xây dựng tổ quốc ngày một văn minh hiện đại, xứng đáng với sự mất mát hy sinh của họ.
Cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” sẽ không phụ lòng độc giả khi các bạn tìm đến.